Ngôn ngữ

EN

3 phương pháp tạo trầm nhân tạo hiện nay – phương pháp nào là tối ưu?

Hiện trạng trầm hương tự nhiên hiện nay

Trầm hương hay agarwood (tiếng Anh), oudh (tiếng Ả rập), gaharu (Indonesia), chénxiāng (Trung Quốc) và jinkō (tiếng Nhật)… là tên gọi của loại gỗ chứa dầu thơm có nguồn gốc từ cây dó, có giá trị thương mại cao, được yêu thích trên toàn thế giới bởi hương thơm độc đáo quyến rũ và tác dụng hiệu quả trong trị liệu nhiều loại bệnh. Không chỉ là hương liệu và dược liệu quý, trầm hương còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử, tôn giáo, văn hóa, tâm linh và phong thủy.

Quá trình hình thành trầm hương cũng rất đặc biệt. Khi cây dó (Aquilaria) bị thương hay bị nhiễm nấm, cây sẽ tự kích hoạt cơ chế phòng thủ bằng cách tiết ra một loại nhựa để cách ly phần bị thương với phần mô gỗ khỏe mạnh còn lại. Phần gỗ bị thương qua thời gian sẽ dần biến đổi, trở nên sẫm màu hơn và có mùi thơm, được gọi là trầm hương.

Hiện nay, do nhu cầu quá lớn từ thị trường và tình trạng khai thác bừa bãi nên trầm hương trong tự nhiên đang dần bị cạn kiệt. Xác suất tạo trầm tự nhiên trên cây dó cực kỳ thấp, lại rất mất thời gian cho nên người ta phải nghiên cứu và áp dụng nhiều phương pháp tạo trầm nhân tạo khác nhau. Loại trầm này được gọi là trầm hương nhân tạo, để phân biệt với trầm hương tự nhiên.

phương pháp tạo trầm

Phương pháp tạo trầm nhân tạo phổ biến

Các phương pháp tạo trầm nhân tạo phổ biến nhất hiện nay bao gồm: phương pháp vật lý, phương pháp hóa học và phương pháp sinh học.

  1. Phương pháp vật lý hay phương pháp tạo chấn thương cơ học

Tạo chấn thương cơ học là phương pháp phổ biến và truyền thống để kích thích quá trình tạo trầm trên cây dó, bởi nó dễ thực hiện và không tốn nhiều chi phí, không cần dùng đến hóa chất hay thuốc thử. Ngoài ra, việc hướng dẫn phương pháp này cho các nông dân trồng trầm cũng rất đơn giản. Ở Trung Quốc, nông dân đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông và Vân Nam đã áp dụng phương pháp tạo chấn thương cơ học trên 20 triệu cây dó Aquilaria sinensis. Người ta thử nghiệm bằng cách gây ra những vết thương rộng hẹp khác nhau trên thân cây dó bầu như đục lỗ bằng các tua vít nhiều kích cỡ, chém bỏ một phần vỏ cây, đóng nhiều loại đinh vào trong cây, cuối cùng là dùng búa đập mạnh lên thân cây. Tất cả những phương pháp này đều khiến phần gỗ bị thương đổi sang màu sẫm, nhưng khi đốt lên, phần gỗ bị đóng đinh lại không tỏa ra mùi trầm đặc trưng.

Hai nhà nghiên cứu Nobushi và Siripatanadilok cho rằng oxy và không khí đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo trầm. Khi đóng đinh vào trong thân cây, oxy không thể đi vào bên trong phần gỗ bị đóng đinh và sự đổi màu xung quanh vết thương có thể chỉ là phản ứng của oxit sắt trong đinh với sợi gỗ. Do đó, khi đốt lên, gỗ không có mùi thơm vì có rất ít hoặc không có nhựa trầm. Nghiên cứu cũng kết luận rằng dùng các công cụ kích thước lớn để làm tổn thương cây sẽ gây ra sự đổi màu rộng hơn, trong đó vít lớn được ưa chuộng vì nó tạo ra trầm hương có mùi thơm cổ điển khi đốt.

Hiện nay ở Việt Nam, phương pháp này cũng đã được sử dụng. Người ta sẽ dùng dùi hơ nóng khoan vào thân cây hoặc dùng các biện pháp tương tự như trên để kích thích quá trình tạo trầm. Tuy nhiên cách làm này mang tính tự phát và xác suất thành công thấp, hiệu quả cũng không cao.

trầm hương nhân tạo

  1. Phương pháp hóa học

Cảm ứng hóa học là một phương pháp phổ biến khác để sản xuất trầm hương ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta thường sử dụng axit sulfuric, axit jasmonic, axit axetic và rượu để tạo ra trầm hương, trong đó axit jasmonic đã được chứng minh là có tác dụng tạo ra trầm hương dày 2–3 mm (khoảng 0,12 in) ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số quốc gia khác cũng sử dụng axit sulfuric và axit axetic nhưng lại không thành công. Có nhiều loại hóa chất sẽ gây hại cho con người, trong khi trầm hương được sử dụng rất nhiều để làm nước hoa, trà và thuốc, do đó việc lựa chọn loại hóa chất phù hợp là vô cùng quan trọng. Cách tiêm hóa chất vào thân cây cũng khá đơn giản, cụ thể người ta khoan một lỗ vào thân cây rồi tiêm hóa chất vào cây bằng ống tiêm hoặc bộ truyền máu. Các nhà nghiên cứu cũng sáng tạo ra nhiều bộ dụng cụ để tạo ra trầm hương, chẳng hạn bộ dụng cụ trồng trầm hương (CA-Kits) do Giáo sư Blanchette từ Đại học Minnesota phát triển, kỹ thuật tạo trầm hương nguyên cây (Agar-Wit) ở Trung Quốc hay phương pháp kích thích trầm hương (AINM) đến từ Nuclear Malaysia.

Ngoài việc tiêm hóa chất trực tiếp vào trong cây, người ta cũng dùng các phương pháp khác như bóc vỏ cây ra sau đó quét một lớp hóa chất lên thân để khiến cây đau xót từ đó kích thích phản ứng sinh nhựa trầm. Tuy nhiên các phương pháp hóa học nói chung tiềm ẩn nhiều rủi ro và chất lượng trầm hương thu được cũng không thực sự đảm bảo.

trầm hương nhân tạo

  1. Phương pháp sinh học

Cấy sinh học cũng là một phương pháp tạo trầm nhân tạo đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả. Cây cần phải bị thương trước khi nhiễm vi khuẩn để có thể hình thành trầm hương. Tuy nhiên, không phải nấm nào cũng được; một số loại được xác định trong các cây có tạo trầm là Fusarium, Lasiodiplodia, Penicillium và Aspergillus… Việc cấy nấm nội sinh vào cây dó bầu cũng được chứng minh là có thể tạo ra nhựa trong thời gian nhanh nhất là 6 tháng. Nhà nghiên cứu Chen và cộng sự đã nghiên cứu quá trình tạo trầm gây ra bởi chất lỏng lên men của các loại nấm khác nhau, trong đó có mẫu nấm được phân lập từ một cây dó bị nhiễm bệnh và tạo ra trầm hương. Người ta phát hiện ra rằng loại nấm chiếm ưu thế là Lasiodiplodia theobromae, hiện diện ở tất cả các lớp gỗ, tiếp theo là Fusarium solani. Điều này cho thấy L. theobromae và F. solani có vai trò quan trọng trong sản xuất trầm hương và là loại nấm thúc đẩy quá trình tạo trầm. Các nghiên cứu khác cũng cho ra những kết quả rất đáng mong đợi.

So với hai phương pháp trên, phương pháp tạo trầm sinh học có nhiều ưu điểm như an toàn cho sức khỏe, tỷ lệ thành công cao và trầm hương tạo ra có chất lượng gần giống với trầm hương tự nhiên nhất. Đây là phương pháp tuy phức tạp và khó thực hiện nhưng cực kỳ đáng để đầu tư, phát triển.

phương pháp tạo trầm

Hiện nay ở Việt Nam, nhiều công ty và phòng nghiên cứu cũng đã và đang tiếp tục nghiên cứu, tiến tới áp dụng rộng rãi hơn phương pháp tạo trầm sinh học này. Trong đó, Công ty Cổ phần Trầm Hương Việt Nam đã thành công ứng dụng công nghệ tạo trầm sinh học vào vùng nguyên liệu, thu được trầm hương nhân tạo có chất lượng giống trầm hương tự nhiên đến 99%.

___________________________________________________________________________________________

Tham khảo:

The Life of a Wounded Tree. Persoon, G.A.

Whole-tree Agarwood-Inducing Technique: An Efficient Novel Technique for Producing High-Quality Agarwood in Cultivated Aquilaria sinensis Trees. Chen et at.

Mechanical Methods to Stimulate Aloes Wood Formation in Aquilaria crassna Pierre Exhlec. Pojanagaroon, Kaewrak

Trunk surface agarwood-inducing technique with Rigidoporus vinctus: An efficient novel method for agarwood production. Chen X.

…và nhiều nguồn khác

.