Trầm hương trong Phật giáo – những giá trị không thể thay thế
Giữa vô vàn hương thơm trên đời, có rất ít mùi hương được nhắc đến nhiều đến thế trong kinh sách và các câu chuyện tôn giáo. Các bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa như Đại bát Niết bàn Kinh, Kinh Bổn sinh (kể về những kiếp trước đây của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni), bộ kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy Vimānavatthu, Kinh Diệu pháp Liên hoa hay rất nhiều bộ kinh giá trị khác… đều chỉ là một trong số những văn bản quý giá nêu bật lên tầm quan trọng của trầm hương trong đạo Phật và văn hóa Phật giáo. Trầm hương được mệnh danh là thứ hương thơm tôn quý nhất để dâng lên Phật, là mùi hương của Niết bàn.
Trầm hương – hương thơm của thiên giới
Trầm hương được sinh ra từ quá trình bồi đắp và tích lũy tinh dầu trên phần mô gỗ bị thương của cây dó bầu, trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm hấp thụ tinh hoa của trời đất mà càng thêm đượm màu, thơm hương. Khi đốt trầm, hương gỗ ngọt ngào, hương rừng sâu bí ẩn, hương nắng gió nồng ấm và cả hương tháng năm lắng đọng bên trong dần lan tỏa khắp không gian, khiến con người như đắm chìm vào bầu không khí vừa trầm lặng, vừa điềm nhiên, tĩnh tại.
Chính vì lẽ đó, từ thời xa xưa, trầm hương đã được các tăng ni Phật tử dùng để xông đốt khi ngồi thiền nhập định, khi tụng kinh hay khi thực hiện những nghi lễ lớn quan trọng. Hương trầm được suy tôn là thứ hương đến từ cõi trời chính bởi mùi thơm và sự hiếm có của nó, vừa thiêng liêng cao quý, vừa thanh khiết nồng ấm, lại vừa giúp thanh tẩy tịnh trần, an định tinh thần, giúp các tăng ni dễ dàng đi vào trạng thái thiền định hơn.
Trong kinh Diệu pháp Liên hoa (Phẩm thứ 19: Pháp sư công đức) có viết: “Người trì kinh này dầu ở nơi đây cũng ngửi mùi trên các cõi trời: Mùi cây ba lợi-chất-đa-la, cây câu-bệ-đa-la, cùng mùi hoa mạn-đà-la, hoa đại-mạn-đa-la, hoa mạn-thù-sa, hoa đại-mạn-thù-sa, mùi gỗ chiên-đàn, trầm-thuỷ các thứ hương bột, mùi các hoa đẹp. Các thứ hương trời như thế hòa hợp thoảng ra mùi thơm đều ngửi biết.”
Trong đó “trầm thủy” cũng chính là trầm hương theo cách gọi trong Phật giáo (hoặc agaru theo tiếng Phạn), là thứ “hương trời”.
Ý nghĩa của chuỗi 108 hạt trầm hương trong Phật giáo
Không chỉ được dùng làm hương đốt, các nhà sư còn dùng gỗ trầm hương để làm thành vòng tay hay tràng hạt. Một chuỗi tràng hạt trầm hương thường có 108 hạt, đại diện cho 108 pháp Tam Muội xóa bỏ 108 phiền não nơi dương gian.
Trong Kinh Mộc Hoạn Tử có chép rằng, tương truyền khi Phật du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhrakùta), nước La Duệ Kỳ (Ràjagrha) quốc vương trong thời nạn ấy tên là Ba Lưu Ly đã sai sứ giả đến chốn Phật để xin Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho pháp yếu tu hành dễ dàng hơn và mai sau xa lìa được mọi khổ não.
Phật đã chuyển lời cho nhà vua rằng, để diệt trừ phiền não chướng, báo chướng, nhà vua phải “có xâu chuỗi gồm một trăm lẻ tám hạt, thường mang theo bên mình để những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, giữ tâm ý chí thành, không phân tán. Niệm xong danh hiệu Phật, Pháp, Tăng mới lần qua một hạt. Như vậy, mỗi lần niệm thì lần qua một hạt, hoặc mười, hai mươi, một trăm, một ngàn, cho đến trăm ngàn vạn lần. Niệm đủ một trăm vạn biến sẽ đoạn trừ được một trăm lẻ tám nghiệp trói buộc, mới gọi là quay lưng nơi dòng sinh tử, hướng đến Niết-bàn, đoạn hẳn gốc rễ của phiền não, đạt được quả vị Vô thượng.”
Chuỗi tràng hạt của các nhà sư thường được làm từ gỗ quý, quý nhất là trầm hương bởi hương thơm thanh khiết, tác dụng định tâm, an thần và cả khả năng chữa bệnh của nó. Tương truyền rằng, các nhà sư vân du khắp nơi thường dùng trầm hương chữa bệnh bằng cách nghiền nát hạt gỗ trầm từ chuỗi tràng hạt của mình rồi hòa vào nước để cho người bệnh uống. Hiện nay, theo cả Đông y lẫn Tây y, trầm hương đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, chữa hen suyễn, an thần, giải tỏa căng thẳng, tăng sự tập trung…
Chuỗi hạt hay vòng tay trầm hương ngày nay còn được rất nhiều người ưa chuộng và coi như một món đồ trang sức hộ mệnh, vừa thu hút vận may, xua đuổi tà khí, giúp nâng cao tinh thần, lại vừa mang ý nghĩa tốt đẹp của Phật giáo với mong muốn loại bỏ hết mọi phiền não để hướng tới một cuộc sống ung dung, tự tại.
Trầm hương – mùi hương của Niết bàn
Trong Phật giáo và cả Ấn Độ giáo, mục đích tu tập của các nhà sư và người tu hành không phải là để lên Thiên đường với Chúa như trong đạo Thiên Chúa, mà là để đạt đến trạng thái Niết bàn. Phật mô tả về Niết bàn như là một trạng thái tiêu tan hết thảy dục vọng, phiền não, dứt bỏ hết sạch mọi xấu xa, “ái tận, vô dục, tịch tĩnh, Niết bàn”.
Đức Phật cũng dạy rằng, để tìm được Niết bàn thì không cần phải tìm đâu xa, Niết bàn không phải thực thể mà chúng ta có thể có thể nhìn thấy, chạm thấy hay nghe thấy. Nó chính là một khái niệm phi thời gian, phi không gian, và vô định. Niết bàn có thể được tìm thấy trong thân tâm của mỗi người. Bản thân của mỗi người phải tự nhìn nhận và hiểu được quy luật vô thường, vô ngã, tự giác ngộ sẽ thấy được cảnh giới Niết bàn.
Trong bộ kinh Di Lan Đà vấn đạo hay còn gọi là Na tiên tỷ khâu kinh (xuất hiện khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn), ở phần đề cập đến Niết bàn, ngài Na tiên đã ca ngợi 3 đức tính của trầm hương và so sánh chúng với 3 đặc điểm của Niết bàn. Trầm hương có 3 đặc tính: khó đạt được, có mùi hương tuyệt vời không thể sánh bằng và được những người tốt ca tụng. Niết bàn cũng có 3 đặc điểm: khó đạt được, có mùi hương tuyệt vời không thể sánh bằng và được những người tốt (và các bậc Thánh nhân) ca tụng. Sự tương đồng đó khiến cho trầm hương được tôn vinh là “Mùi hương của Niết bàn”.
Trầm hương – những giá trị không thể thay thế
Mức độ quý trọng của trầm hương là không thể cân đo đong đếm được. Điều đó không chỉ được thể hiện bởi nguồn gốc và cách hình thành kỳ diệu như một truyền thuyết của trầm hương hay những tác dụng tuyệt vời mà trầm hương mang lại cho con người, mà còn bởi những ý nghĩa và giá trị quan trọng của trầm hương trong văn hóa, tâm linh, phong thủy, và tôn giáo. Người sở hữu trầm hương hẳn luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi mỗi ngày đều được thứ “kỳ vật của tạo hóa” này cùng với “hương thơm đến từ thiên giới” của nó bảo vệ khỏi tà khí và những điều xấu xa, để tinh thần luôn được thư thái, an yên, hướng tới một cuộc sống an vui, tự tại, đạt được Chân – Thiện – Mỹ.
Nguồn tham khảo:
- Kinh Đại bát Niết bàn tập 4, trang 293, Phẩm: Lời dạy cuối cùng
- Kinh Di Lan Đà vấn đạo, trang 595, Phần 10: Câu hỏi về hình thể và vị trí Niết bàn
- Kinh Diệu pháp Liên hoa, trang 621, Phẩm thứ 19: Pháp sư công đức
- Phật thuyết Mộc Hoạn Tử kinh, bản sao lục đời của Đông Tấn
- Bài viết The Scent of Nirvana: The Role of Agarwood in Buddhism của Yasmin Khan
- Bài viết The Role of Agarwood In Buddhism and How Buddhists use Agarwood của Grandawood.