Lịch sử ứng dụng và ý nghĩa của trầm hương đối với người Hồi giáo ở Trung Đông
Trầm hương (oud hay oudh theo tiếng Ả Rập) là một trong những hương liệu thô đắt giá nhất thế giới. 1 kg trầm hương có thể đắt ngang với 1 kg vàng, đôi khi còn đắt hơn. Đó là lý do người ta gọi trầm hương là “black gold” (vàng đen) hay “liquid gold” (vàng lỏng).
Trầm hương có mùi hương gỗ đặc trưng ngay nốt đầu, điểm xuyết bởi mùi nồng ấm của nắng gió nhiệt đới và hương vị sâu lắng bí ẩn của rừng già. Đây là sản vật quý hiếm chỉ khu vực Đông Nam Á mới có, là món kỳ vật được trân quý bởi tất cả những nền văn hóa, tôn giáo lớn trên thế giới.
Người ta bắt gặp hình ảnh trầm hương trong y học, hương liệu, nước hoa, trong tôn giáo tâm linh và cả trong văn thơ nhạc họa. Dù tỏa hương đơn độc hay khi kết hợp với những loại thảo mộc thơm khác, trầm hương vẫn giữ cho mình một nét đặc biệt riêng. Như một thứ nhạc cụ tuyệt đỉnh có thể tự mình hoàn thiện một khúc độc tấu quyến rũ lòng người, cũng có thể đứng chung trong giàn nhạc để tạo ra một bản hòa tấu tuyệt vời của hương thơm.
Lịch sử ứng dụng và giao thương của trầm hương ở Trung Đông
Mùi trầm hương đã đồng điệu với hình ảnh vùng Trung Đông huyền bí suốt mấy ngàn năm nay. Sử sách còn chép lại rằng, chính Đấng Tiên tri Muhammad là người đầu tiên khởi xướng cho tục lệ xông trầm, để rồi các tín đồ Hồi giáo đã kế thừa và phát huy tục lệ ấy cho tới tận ngày nay. Đấng Tiên tri cực kỳ yêu thích mùi trầm hương, ngài coi nó như một thứ tiên hương đến từ thiên đường.
Hoạt động buôn bán trầm hương và các chế phẩm từ trầm hương đã phát sinh từ thời cổ đại. Theo một số văn bản cổ, các thương nhân đã thông qua Con đường Tơ lụa nổi tiếng để vận chuyển trầm hương từ Trung Quốc đến Trung Đông qua Ấn Độ. Trầm hương vốn có nguồn gốc từ Nam và Đông Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam), chủ yếu được tiêu thụ bởi các thị trường Nhật Bản và Trung Đông (Ả Rập Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Tuy nhiên, hiện nay đã có sự mở rộng cả về trung tâm cung ứng (bao gồm Úc và Sri Lanka) lẫn nhu cầu (phần lớn trên khắp Tây Âu).
Những câu chuyện kể của nhà thám hiểm Ả Rập nổi tiếng Ibn Battuta cũng mô tả về việc người Ả Rập dùng nước hoa hương trầm nhiều ra sao trong thế kỷ 13. Ở Síp vào thế kỷ 14 CN, trầm hương chủ yếu được sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh lý về tai, mắt, da, xương và nhiều bệnh khác. Ở Al-Andalus (Muslin Tây Ban Nha trong khoảng 900-1500 CN), các nhà chế tạo nước hoa địa phương yêu thích sử dụng chất thơm có nguồn gốc từ cả phương Đông lẫn phương Tây với trầm hương là một trong năm thành phần chủ chốt.
Hương trầm tới nay đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Hồi giáo ở Trung Đông, là một phần của nền văn hóa Hồi giáo nói chung. Ngày nay, trầm hương được dùng như một thứ nước hoa truyền thống: từ những vụn gỗ trầm cao cấp đốt lên khi đón khách quý tới nhà, đến thứ hương liệu sang trọng, độc đáo và xa hoa để xông nhà hay xông thơm quần áo.
Trầm hương trong văn hóa và tôn giáo của người Hồi giáo ở Trung Đông
Trong thế giới Hồi giáo, trầm hương được gọi là ‘gỗ của các vị thần’, và là một phần quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo. Người ta tin rằng mùi trầm hương là mùi hương thiêng liêng cao quý, có khả năng kết nối các tín đồ với đấng bề trên của họ. Do tác dụng định tâm, an thần, trầm hương thường được dùng trong lúc thiền định, tham ngộ giáo lý. Suốt chiều dài lịch sử, người Hồi giáo có thói quen dùng trầm hương để bôi lên tóc, sau tai, cổ và quần áo trước khi cầu nguyện hay tham gia những buổi giao lưu, hội họp.
Xông, đốt trầm hương cũng được coi là một phong tục truyền thống thiết yếu trong thế giới Hồi giáo, đặc biệt là ở Trung Đông. Hương trầm gắn liền với cuộc sống của người Hồi giáo từ khi còn nhỏ. Nghi thức xông hương gắn kết với văn hóa nơi đây chặt chẽ đến mức nhiều người nước ngoài sinh sống ở Trung Đông cũng tiếp thu truyền thống xông thơm ngôi nhà của mình bằng cách đốt gỗ trầm miếng, bột trầm và bukhoor (dăm gỗ trầm ngâm trong dầu thơm).
Đối với người Hồi giáo, trầm hương không chỉ là mùi hương được ưa chuộng nhất, mà còn là văn hóa. Anh Abdulla Ajmal, cháu trai của người sáng lập và tổng giám đốc hiện tại của nước hoa Ajmal chia sẻ: “Trầm hương là văn hóa. Hương thơm của nó lưu giữ ký ức của chúng tôi về những ngày thơ ấu. Những buổi sáng của ngày lễ Eid al-Fitr, chúng tôi thức dậy trong ngôi nhà tràn ngập mùi trầm hương, trên đường và cả các nhà thờ cũng vậy. Đi lễ về, chúng tôi được xức tinh dầu trầm lên da để cơ thể được bao bọc trong mùi trầm hương thơm ngát.”
Ngoài vai trò thiêng liêng trong các nghi lễ, trầm hương còn là một phần quan trọng trong đám cưới người Hồi giáo, do hương thơm đặc biệt và tầm quan trọng văn hóa của nó. Trong lễ cưới, đặc biệt là vào đêm tân hôn, cô dâu sẽ xuất hiện giữa đoàn người mang theo những chiếc lư hương chứa đầy trầm hương đang cháy. Làn khói thơm tỏa khắp không gian tạo nên một bầu không khí ấm áp, tượng trưng cho lời nguyện cầu gửi đến Đấng Toàn năng về một tương lai tốt đẹp.
Kết luận
Tóm lại, trầm hương đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống tâm linh và văn hóa của người Hồi giáo ở Trung Đông. Từ lịch sử xa xưa cho đến tương lai sau này, mùi thơm của trầm hương vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa, gắn kết tinh thần cộng đồng và đem lại sự an yên cho tâm hồn mỗi người.