Ngôn ngữ

EN

Kodo – nghệ thuật thưởng thức hương trầm độc đáo chỉ có tại Nhật Bản

Hương đạo là một trong ba mỹ học cổ phong Nhật Bản

Trong bộ ba mỹ học cổ phong của người Nhật: trà đạo (Chado), hoa đạo (Kado) và hương đạo (Kodo), thì hương đạo tuy ít được biết đến hơn, nhưng luôn được đánh giá cao bởi sự tao nhã, tinh tế và khả năng nhẫn nại cao độ của người nghệ nhân.

Kodo hương trầm trầm hương nghệ thuật thưởng thức hương trầm hương đạo Nhật Bản

Kodo là nghệ thuật thưởng thức trầm hương, hay còn gọi là “nghe hương” theo cách diễn tả của người Nhật. “Nghe” ở đây không đơn thuần chỉ là nghe, mà còn là nghi thức “mài giũa cả năm giác quan” để thưởng thức. Thưởng hương không thể diễn ra giữa bầu không khí ồn ào náo nhiệt, mà cần một quá trình bình tâm tĩnh trí, lắng đọng thân tâm hòa mình vào không gian thanh tịnh xung quanh, mới có thể thực sự “lắng nghe” dòng luân chuyển bất tận của vô số tầng hương lan tỏa, để đọc tên từng loại mùi thơm riêng biệt giữa làn khói mênh mang.

Khởi nguồn của trầm hương ở Nhật Bản

Theo Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) – bộ sách cổ thứ hai về lịch sử Nhật Bản, vào thời Asuka (khoảng năm 595 sau Công Nguyên), trầm hương lần đầu tiên được biết đến dưới dạng một khúc gỗ trôi dạt vào vùng biển Awaji, được người dân phát hiện và mang về.

Khi đặt bên đống lửa, khúc gỗ bỗng tỏa ra một mùi thơm kỳ lạ và tuyệt vời đến nỗi người dân quyết định mang dâng cho Thiên hoàng Suiko. Thiên hoàng vốn hiểu biết về các nghi thức lễ Phật, đã lập tức nhận ra khúc gỗ chính là trầm hương – gỗ của các vị Thần.

Trầm hương “Ngũ vị lục quốc”

Trong nghệ thuật hương đạo, trầm hương được phân ra làm “ngũ vị lục quốc”, tức là “năm mùi vị, sáu nước”. Ngũ vị bao hàm chua, cay, ngọt, mặn, đắng, lục quốc chính là sáu nơi sản xuất trầm hương nổi tiếng nhất. Trong đó, loại trầm hương tốt nhất, có mùi thơm tao nhã nhất được gọi là Kyara (Già La), và chỉ được tìm thấy ở Việt Nam.

hương trầm trầm hương Việt Nam nghệ thuật thưởng thức hương trầm

  • Kyara(伽羅 Già la): Loại tốt nhất trong trầm hương, có mùi hương tao nhã. Chỉ có ở Việt Nam.
  • Rakoku (羅国La Quốc): Mùi hăng vị đắng, mặn và cay. Chỉ có ở Thái.
  • Manaban(真南蛮 Chân Nam Man): Có nhiều hương và nhựa, vị gần như ngọt. Có ở miền Đông của Ấn Độ, hoặc giữa Mã Lai và Ấn Độ.
  • Manaka(真那伽 Chân Na Già): Trong những hương thơm, đây có lẽ mùi hương nhạt nhất. Có ở Malacca (Malaysia).
  • Sasora(佐曾羅 Tá Tăng La): Có mùi hương nhẹ. Sasora loại tốt dễ bị lầm tưởng là kyara, đặc biệt khi mới đốt. Có ở miền Tây Ấn Độ.
  • Sumatora(寸聞多羅 Thốn Văn Đa La): Rất nhiều nhựa và có vị chua. Có nhiều ở Sumatra (Indonesia).

Vai trò quan trọng của trầm hương trong lịch sử giao thương Việt – Nhật

Có rất nhiều giai thoại về sự yêu thích của các nhân vật lịch sử Nhật Bản đối với trầm kỳ nam (Kyara) của Việt Nam. Đã từng có một khúc trầm kỳ nam Ranjatai dài chừng mét rưỡi được cất giữ trong chùa Todaiji, Nara. Người ta kể rằng cả ba nhân vật nổi tiếng Nhật Bản là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu đều khát khao sở hữu khúc trầm kỳ nam này. Hiện nay, khúc Ranjatai do Viện Bảo tàng Quốc gia tại thành phố Nara bảo quản.

hương trầm trầm hương nghệ thuật thưởng thức hương trầm hương đạo kodo

Từ thời kỳ Shuinsen (cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII) đến nay, Nhật Bản vẫn thường xuyên nhập khẩu trầm hương từ các nước Đông Nam Á. Trong quá khứ, Việt Nam và Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu trầm sang Nhật, nhưng hiện nay vai trò đó được thay thế bởi Hong Kong, Singapore, và Thái Lan.

10 đức của hương và nghệ thuật Kodo ngày nay

Trải qua hơn 500 năm phát triển, nghệ thuật thưởng hương trầm Kodo đã không còn bị bó hẹp trong tầng lớp vua chúa cao quý hay chỉ dành riêng cho các nghi lễ tôn giáo. Ngày nay, thưởng hương đã trở thành một liệu pháp trị liệu cực kỳ hiệu quả cho tâm hồn và được các nghệ nhân đúc kết thành 10 đức của hương:

  1. Mài giũa các giác quan
  2. Thanh lọc thân tâm
  3. Thanh tẩy, khử uế
  4. Thức tỉnh tinh thần
  5. Chữa lành cảm giác cô đơn
  6. An định tâm thần
  7. Quá nhiều cũng không bị dư thừa
  8. Quá ít vẫn đủ lưu hương
  9. Lưu trữ nhiều năm vẫn không hỏng
  10. Dùng hằng ngày không gây hại

Thưởng hương cũng là một quá trình cần khổ luyện lâu dài. Người chơi phải giữ được tâm hồn trong sáng, tĩnh lặng, tâm bình khí hòa, thái độ phải chân thật và thành tâm mới có thể thực sự cảm nhận làn hương trầm thanh khiết len lỏi vào bên trong cánh mũi, thấm nhuần vào từng hơi thở, đi qua trái tim và cuối cùng chạm tới sâu thẳm linh hồn.

Trong khoảnh khắc “lắng nghe” hương trầm lan tỏa, người chơi sẽ phân biệt được từng mùi thơm riêng biệt lẩn khuất và hòa quyện theo làn khói, tận hưởng cảm giác tĩnh tại ung dung giữa cuộc đời rộn rã.

.