Kỳ nam Việt Nam – bảo vật quý hiếm được cả thế giới tôn sùng
Trên thế giới này, không có loại gỗ nào lại quý hiếm và đắt giá hơn kỳ nam Việt Nam. Kỳ nam có điều kiện hình thành tương đối giống trầm hương, nhưng khó khăn hơn gấp ngàn lần. Người ta nói cả ngàn cây dó bầu mới có một cây ra trầm, nhưng cả triệu cây dó bầu họa may mới có một cây ra kỳ. “Kỳ nam được coi là xá lợi trong gỗ, là cực phẩm của trầm hương”.
Kỳ nam là gì?
Có thể nói kỳ nam chính là loại trầm hương đặc biệt và cao cấp hơn, cũng lâu năm hơn. Kỳ nam trải qua hàng ngàn năm tích trầm và hấp thu thiên địa linh khí, do đó nó thường có màu nâu đậm hoặc đen, gỗ mềm gần giống như sáp ong nhưng khó nhận thấy thớ gỗ, dễ chìm trong nước. Kỳ nam có mùi thơm rất ngào ngạt, dù gói kín nhiều lớp vẫn không giấu được mùi thơm.
Khi đốt, khói kỳ nam lên thẳng mà dài còn khói trầm hương kết xoáy rồi sau mới tan. Trầm hương nói chung cứng, nặng, thơm nhạt, vị đắng còn kỳ nam mềm nhẹ, hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ chua cay mặn ngọt đắng. Giá của kỳ nam đắt gấp 10-20 lần so với trầm hương.
Phân loại kỳ nam
Tục ngữ có câu “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc” chính là để xếp loại kỳ nam. Trong Phủ biên tạp lục có chép rằng, kỳ nam “lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại càng kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu.” Theo đó, người ta phân kỳ nam ra làm 4 loại chính (có tài liệu chia làm 7 loại) như sau:
- Bạch kỳ: rất hiếm và quý, màu xám nhạt, tinh dầu tích tụ đều khắp thớ gỗ tạo thành khối màu xám, bóng mờ như dầu
- Thanh kỳ: màu đen nhánh có ánh xanh lục, mùi thơm rất dễ nhận biết
- Hoàng kỳ: sắc vàng sẫm, vàng nâu, dầu cứng và nặng
- Hắc kỳ: màu đen bóng như hắc ín, mềm và dẻo hơn ba loại trên.
Dù là loại nào, giá trị của kỳ nam vẫn là không thể so sánh.
Việt Nam – nơi sản sinh ra loại kỳ nam chuẩn mực của thế giới
Cũng trong cuốn Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn khẳng định: “Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai”. Địa danh Bình Khang, Diên Khánh thời xưa nay thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Sách Tứ khố toàn thư (Trung Quốc) cũng viết: “kỳ nam của Chăm Pa (nay là miền Trung Việt Nam) là tốt nhất”. Từ xa xưa đã có câu “kỳ nam Chăm Pa, một lát ngàn vàng”.
Người Trung Quốc còn cho rằng, bạch kỳ nam Việt Nam là cực phẩm của kỳ nam. “Bạch kỳ nam nguyên khối có hương thơm nồng đượm, cắt lát bỏ vào lư hương, hương thơm sẽ bùng nổ rất mạnh, rồi chuyển dần thành năm tầng hương riêng biệt từ sảng khoái, hương mật ong, hương sữa, hương hoa và hương trái cây.”
Ngoài mùi hương cực phẩm, kỳ nam còn có tác dụng chữa bệnh vượt trội, là vị thuốc quý hiếm mà người người đều khao khát.
Theo Science Direct, vào tháng 12/2001, các nhà khoa học tại Viện Y học Tự nhiên, Đại học Toyama (Nhật Bản) đã mua 4.52g kỳ nam của sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa về nghiên cứu.
Họ đã tìm ra một hoạt chất sesquiterpene mới và chứng minh được hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của “chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh” BDNF.
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, hoạt chất này có khả năng điều trị một số bệnh liên quan đến thiếu hụt BDNF khiến con người bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, tự kỷ ám thị, mất trí nhớ, Parkinson…
Ngoài ra, tương tự như trầm hương, kỳ nam trong Đông y cũng là một vị thuốc quý hiếm sở hữu tác dụng giáng khí nạp thận, bình can, tráng nguyên dương; được dùng chủ yếu chữa các bệnh đau ngực, kích dục, tráng dương, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, bổ dạ dày, hen suyễn, lợi tiểu, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, bổ huyết, trợ tim, cấm khẩu và khó thở… Thậm chí hiệu quả chữa bệnh của kỳ nam còn tốt hơn trầm hương rất nhiều lần.
Trong tâm linh phong thủy, cả trầm hương lẫn kỳ nam đều có tác dụng thanh lọc không gian, tẩy trừ tà khí, uế khí, mang lại sức khỏe và vận may cho người sử dụng. Độ quý hiếm cao cùng với nhiều tác dụng tuyệt vời trong thẩm mỹ, y học, phong thủy… khiến kỳ nam trở thành món kỳ vật được cả thế giới săn đón. Hiện nay giá của kỳ nam vào khoảng 50.000 – 60.000 USD/kg, có thể còn đắt hơn rất nhiều tùy loại và chất lượng.
Kết luận
Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn chưa thực sự nghiên cứu được phương pháp tạo ra kỳ nam. Người ta chỉ có thể kiên trì trèo đèo lội suối, vượt núi băng rừng, đi khắp núi cao rừng sâu các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa…, lần tìm từng gốc cây dó mục để mong tìm được một miếng kỳ nam nhỏ còn sót lại. Điều đó thể hiện mức độ khan hiếm tới tận cùng của kỳ nam trong tự nhiên. Nguồn tài nguyên quý giá này cần được bảo tồn thật cẩn thận để kỳ nam tiếp tục là niềm tự hào của người dân Khánh Hòa nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.