Ý nghĩa và ứng dụng của trầm hương trong Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo
Trầm hương trong các tôn giáo lớn trên thế giới – vai trò và ý nghĩa vô cùng đặc biệt!
Trầm hương là thứ “danh hương” được cả thế giới ưa chuộng bởi nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, rất khó để miêu tả chính xác mùi thơm của trầm hương bởi sự phức tạp trong kết cấu hương thơm của nó. Hương trầm là sự tổng hòa của mùi gỗ mộc mạc, mùi rừng sâu trầm mặc, mùi của nhựa cây lắng đọng qua thời gian, mùi khói cay nồng mà ấm áp… Trong sâu thẳm mùi hương dường như còn chứa đựng cả linh khí và tinh hoa của trời đất. Trầm hương là món quà trân quý mà thiên nhiên dành tặng con người, là thứ kỳ vật hiếm có mang ý nghĩa và giá trị thần thánh trong rất nhiều tôn giáo khác nhau, đặc biệt là Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.
1. Trầm hương nơi cửa Phật – mùi hương của Niết bàn
Từ hàng ngàn năm nay, trong những bộ kinh sách Phật giáo giá trị nhất, trầm hương đã được đề cập đến như một thứ hương thơm cao quý và thanh khiết, “hương thơm đến từ cõi Trời”. Đó là thứ hương thơm có thể xâm nhập vào cả Tam Giới, được thần tiên trong cõi chư Thiên vô cùng yêu thích.
Người tu Phật xưa nay đã có thói quen xông đốt hương trầm khi ngồi thiền, nhập định. Trầm hương lúc này giống như một liệu pháp tinh thần hiệu quả, có tác dụng an thần, tịnh tâm, khai mở trí huệ, rèn luyện giác quan, giúp các tăng ni Phật tử nhanh chóng đi vào trạng thái thiền định.
Gỗ trầm hương còn được chế tác thành những chuỗi tràng hạt để các nhà sư luôn mang theo bên mình khi đi vân du, khi ngồi thiền, tụng kinh, khi tham ngộ Phật pháp. Chuỗi hạt này thường có 108 hạt, đại diện cho 108 pháp Tam Muội xóa bỏ 108 phiền não nơi dương gian. Mỗi khi lần hạt tụng kinh, hơi ấm từ bàn tay sẽ giúp cho hương trầm càng thêm nồng ấm, lan tỏa, tạo ra bầu không khí trang nghiêm mà tĩnh lặng để các nhà sư hết lòng hướng về Đức Phật.
Trong bộ kinh Di Lan Đà vấn đạo, trầm hương được ca ngợi bởi 3 đặc tính hiếm có tương đồng với 3 đặc điểm của Niết bàn, đó là: khó đạt được, có mùi hương tuyệt vời không thể sánh bằng và được những người tốt ca tụng. Vì thế, trầm hương còn được gọi là “Mùi hương của Niết bàn”. Niết bàn trong Phật giáo là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, diệt ái dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não.
Ngoài mùi thơm thuần khiết, trầm hương còn có tác dụng thanh tẩy không gian, xua đuổi tà khí, âm khí, góp phần tạo nên bầu không khí thiêng liêng trong các dịp lễ lớn như tụng niệm, lễ khai quang, cầu an, lễ tắm… Tập tục này kéo dài đến tận ngày nay, trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa, tôn giáo của các tăng ni, Phật tử.
2. Trầm hương trong Thiên Chúa giáo – mùi hương của Chúa
Không chỉ mang ý nghĩa và giá trị thiêng liêng trong Phật giáo mà đối với cả những người theo đạo Thiên Chúa, trầm hương cũng giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Trầm hương chính là loài cây do Đức Giê-hô-va trồng theo như những gì sách Dân số ký (quyển thứ tư Kinh thánh) đã đề cập đến.
“Như thung lũng trải dài,
Như khu vườn gần bờ sông,
Tựa như cây trầm hương mà Đức Giê-hô-va đã trồng,
Giống như cây hương nam nơi mé nước.” (Sách Dân số ký 24:5,6)
Ngoài ra, trầm hương xuất hiện nhiều lần nữa trong Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước và được ngợi ca là một trong những hương liệu thơm tho, cao quý nhất.
Đặc biệt, trong Kinh Tân Ước, phần Phúc âm của Gioan (20: 39 Tiết 40), sau khi Chúa Giêsu chịu khổ hình đóng đinh trên cây thánh giá để chuộc tội cho loài người, xác thánh của Ngài đã được thoa một lớp hỗn hợp nhựa thơm và trầm hương. Lịch sử Công giáo còn ghi lại rằng, nghi lễ xông trầm đã được truyền tụng trong Thánh lễ chờ Chúa Giêsu phục sinh tại Jerusalem vào cuối thế kỷ thứ 4. Khi trầm hương được đốt lên, mùi thơm thánh khiết ấy lan tỏa khắp không gian và càng tô điểm thêm bầu không khí thiêng liêng của Thánh lễ.
Đối với các tín hữu Thiên Chúa, trầm hương ẩn chứa 3 giá trị rất sâu sắc. Đầu tiên, hương trầm thanh dịu có thể giúp họ giải tỏa và lắng đọng những cảm xúc tối tăm, căng thẳng, trở về với trạng thái tinh thần thanh thản, nhẹ nhàng để bắt đầu cầu nguyện và chiêm niệm. Thứ hai, hương trầm là mùi hương có khả năng đánh thức tâm trí, làm sâu sắc hơn mối liên kết giữa cơ thể với linh hồn, giữa con người với đức tin hay nói cách khác, trầm hương là phương tiện mang các tín hữu Thiên Chúa đến gần hơn với vị Chúa thiêng của họ. Trầm hương cũng là thứ hương liệu thanh tẩy thân tâm, trừ tà và bảo vệ, khiến họ cảm giác bản thân thanh sạch và thánh khiết để làm đẹp lòng Thiên Chúa.
3. Trầm hương trong đạo Hồi – báu vật của người Hồi giáo
Trầm hương được nhắc đến nhiều lần trong một cuốn sách tên là Bộ sưu tập những lời tiên tri và giáo huấn Hadith được viết bởi Đấng Tiên tri Muhammad – người sáng lập đạo Hồi. Trong đó nói rằng Ngài Muhammad không chỉ yêu thích và thường xuyên sử dụng trầm hương trong các nghi lễ, mà Ngài còn coi trầm hương là một bảo vật chữa được nhiều loại bệnh tật. Ngài Abu Huraira, một trong các sahabah của Đấng Tiên tri Muhammad cũng miêu tả về Thiên đường với những lư hương nghi ngút hương trầm (tham khảo tập 4, quyển 55, Hadith 544).
Kể từ đó, người Hồi giáo đã quen dùng trầm hương trong những nghi lễ quan trọng hay trong các Nhà thờ Hồi giáo vì họ tin rằng trầm hương giúp kết nối thế giới thực với thế giới tâm linh, và là mùi hương được các vị thần yêu thích. Hương trầm cũng được sử dụng để làm sạch không gian, xông thơm nhà cửa, y phục, thể hiện địa vị, truyền thống và phong cách sống xa hoa của nhiều gia đình Trung Đông từ hàng ngàn năm nay.
Ngoài ra, trầm hương còn là một phần quan trọng của những tập tục trong đám cưới người Hồi giáo, do hương thơm đặc biệt và tầm quan trọng văn hóa của nó. Trong lễ cưới, đặc biệt là vào đêm tân hôn, cô dâu sẽ xuất hiện giữa đoàn người mang theo những chiếc lư hương chứa đầy trầm hương đang cháy. Làn khói thơm tỏa khắp không gian tạo nên một bầu không khí ấm áp, tượng trưng cho lời nguyện cầu gửi đến Đấng Toàn năng về một tương lai tốt đẹp.
Ngoài Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa hay Đạo Hồi, trong các nền tôn giáo lớn khác trên thế giới, trầm hương cũng luôn đóng vai trò như một thứ “linh hương” thanh khiết giúp các tín đồ thanh lọc tâm trí, tăng sự tập trung, nâng cao tinh thần và giúp tạo ra mối liên kết sâu sắc hơn đối với Đấng Tối cao của họ. Đây cũng là lý do tại sao nhiều người trên khắp thế giới đều ưa thích dùng trầm hương để làm quà tặng gửi đến bạn bè và người thân. Bởi trầm hương trong các tôn giáo luôn giữ vững vị trí vô cùng quan trọng, được người người ngợi ca và trân quý.