Ngôn ngữ

EN

Cách phân loại trầm hương đầy đủ nhất hiện nay

Trầm hương là tên gọi chung của phần mô gỗ nhiễm dầu thơm trên cây dó bầu, có hương thơm tuyệt vời và giá trị kinh tế cao. Tùy theo cách đánh giá, trầm hương được phân thành nhiều loại khác nhau. Trên cơ sở tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người trồng và cấy tạo trầm hương lâu năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trầm hương Việt Nam xin giới thiệu cách thức phân loại cơ bản và được thừa nhận rộng rãi trên thị trường hiện nay.

I. Kỳ nam

Kỳ nam và trầm hương đều được hình thành trên cây dó bầu. Tuy nhiên, kỳ nam được tạo ra do sự biến đổi hoàn toàn các phân tử gỗ, do đó thường có màu nâu đậm hoặc đen, chất dầu dẻo hơn, thớ gỗ có độ kết dính cao, bề mặt trơn mềm như sáp.

Kỳ nam bao gồm đủ ngũ vị: ngọt, mặn, chua, cay, đắng. Hương thơm của kỳ nam nồng đậm và quyến rũ, lưu hương bền bỉ qua thời gian. Khi đốt kỳ nam, khói lên thẳng mà dài, lơ lửng trong không khí rất lâu mới tan.

Kỳ nam là dược liệu và hương liệu vô cùng quý hiếm, trong đó kỳ nam Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng hương thơm và tác dụng y lý tốt nhất thế giới.

Người ta chia kỳ nam làm 4 loại, xếp theo thứ tự từ cao tới thấp: bạch kỳ, thanh kỳ, hoàng kỳ, hắc kỳ. Câu tục ngữ “nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc” chính là để xếp hạng các loại kỳ nam.

1. Bạch kỳ

Gọi là bạch kỳ nam bởi loại kỳ này có màu trắng ngà hoặc xám nhạt, thớ gỗ mềm mịn, trơn nhẵn do chứa nhiều tinh dầu và có thời gian tích trầm lâu nhất. Nhiều người tưởng rằng bạch kỳ nam là khối trầm hóa thạch, bởi có những khối đã trải qua hàng ngàn năm tích trầm, thậm chí lâu hơn. Bạch kỳ nam được xếp hạng cao nhất về chất lượng hương thơm và hiệu quả chữa bệnh. So với các loại trầm kỳ khác, bạch kỳ nam có năm tầng hương rõ rệt, khi đốt lên sẽ tỏa ra mùi thơm ngào ngạt và rất đậm đà.

phân loại trầm hương kỳ nam

2. Thanh kỳ

Giống như tên gọi, người ta phân biệt thanh kỳ bằng cách quan sát màu gỗ hơi ánh xanh của nó. Thanh kỳ quý hiếm chỉ sau bạch kỳ, có thời gian tích trầm từ cả ngàn năm trở lên. Lượng tinh dầu trong miếng thanh kỳ cực kỳ đậm đặc, chất nhựa dày đan xen với các thớ gỗ khiến bề mặt gỗ trở nên rất nhẵn mịn. Thanh kỳ nam có ba tầng hương độc đáo, nồng đượm và rất ngọt ngào.

3. Hoàng kỳ (hay huỳnh kỳ)

Hoàng kỳ có màu nâu vàng hơi đậm, thớ gỗ bền và cứng, bề mặt gỗ tương đối sáng bóng. Hương thơm của hoàng kỳ gợi nhớ đến một cánh đồng hoa đang nở rộ với hương hoa mật ngọt dịu xen lẫn vị đắng hơi hắc của gỗ, vị the mát cay cay của lá… Thời xa xưa, hoàng kỳ nam thường được dùng làm quà tặng ngoại giao giữa các nước chính bởi mùi thơm quyến rũ rất riêng của nó.

4. Hắc kỳ

Hắc kỳ nam có sắc đen sẫm đặc trưng, thớ gỗ, cứng và nặng. Khi được hơ nóng, hắc kỳ nam sẽ tỏa ra một mùi thơm phức tạp, mạnh mẽ nhưng tinh tế dễ chịu, bắt đầu từ hương hoa thơm ngọt ở tầng hương đầu cho đến hương vani và hơi đắng ở tầng hương cuối. Chỉ cần đốt một chút hắc kỳ nam là đủ để hương thơm tỏa ra mạnh mẽ và kéo dài rất lâu.

II. Trầm hương tự nhiên

Trầm hương tự nhiên là loại gỗ trầm hình thành trên cây dó bầu trong điều kiện tự nhiên không có sự tác động của con người, và chỉ được khai thác khi đã đủ tuổi trầm. Đây là loại trầm hương có giá trị chỉ sau kỳ nam bởi chất lượng hương thơm cao cấp, mức độ khan hiếm và sự khó khăn trong quá trình săn tìm và khai thác. Các cách phân loại phổ biến với trầm hương tự nhiên là:

Phân loại theo tỉ lệ tinh dầu trong gỗ

1. Trầm nổi

Trầm nổi là trầm hương có tỉ lệ nhiễm trầm thấp, tuổi trầm ngắn, thường là 8-10 năm. Do lượng tinh dầu trong gỗ không nhiều (<25%) nên khi thả khối trầm loại này vào trong nước, ta sẽ thấy khối trầm vẫn nổi lên chứ không chìm xuống.

2. Trầm chìm

Ngược lại với trầm nổi, trầm chìm được coi là trầm hương loại 1 và có giá trị rất cao do lượng tinh dầu trong gỗ nhiều (từ 40%-80%), thả vào nước sẽ chìm xuống đáy. Để phân biệt trầm chìm và trầm nổi, người ta thường thả khối trầm vào trong nước. Tuy nhiên trên thị trường có nhiều loại trầm chìm bị làm giả bằng cách bắn chì vào trong khối gỗ để làm tăng khối lượng trầm. Do đó, khi mua trầm chìm, chúng ta cần quan sát kỹ bề mặt khối trầm để tránh mua phải khối trầm chìm giả.

3. Trầm cận chìm

Trầm cận chìm nằm ở khoảng giữa trầm chìm với trầm nổi. Đây là phần gỗ trầm chỉ thiếu một chút khối lượng riêng để có thể chìm xuống nước hoàn toàn.

Lượng tinh dầu trong trầm cận chìm vẫn tương đối cao trong khi giá cả lại rẻ hơn trầm chìm rất nhiều nên cũng được rất nhiều người ưa chuộng.

Phân loại theo hình thái, đặc điểm hình thành

1. Trầm rễ

Trầm rễ là loại trầm hương tự nhiên có phần tích trầm nằm trong rễ cây dó bầu. Trầm rễ có hương thơm ngọt dịu, tỉ lệ tinh dầu trong gỗ vô cùng cao (80-95%) và cực kỳ hiếm gặp.

Khi gió, bão, động vật lớn làm gãy đổ cây, hay khi nấm, vi khuẩn, côn trùng xâm nhập làm tổn thương cây, cây dó bầu sẽ tiết ra tinh dầu để tự chữa lành, đó là quá trình tạo ra trầm hương. Rễ cây là bộ phận bị vùi sâu trong đất hoặc chìm dưới nước, rất dễ bị côn trùng và nấm mốc tấn công. Trầm rễ trải qua vài chục năm tích trầm nên có chất lượng hương thơm vô cùng tuyệt vời.

2. Trầm kiến

Trầm kiến là tên gọi của loại gỗ trầm sinh ra từ những cái hốc hay lỗ nhỏ do kiến hoặc các côn trùng khác đục đẽo, đào xới trên thân cây dó bầu. Quan sát khối trầm kiến ta có thể nhìn thấy nhiều vết thủng hoặc lỗ nhỏ rải rác khắp bề mặt. Trầm kiến được ưa thích bởi mùi thơm đặc trưng kết hợp giữa hương hoa, hương trái cây thoang thoảng rất dễ chịu.

phân loại trầm hương

3. Trầm tốc

Trầm tốc được coi là trầm hương loại 3 do có thời gian tích trầm ngắn và được thu hoạch sớm hơn so với các loại trầm hương tự nhiên khác. Các sợi tinh dầu trầm còn rất mảnh, có màu sẫm nổi bật trên nền gỗ chưa nhiễm dầu.

Trầm tốc bao gồm 3 loại chính:

* Tốc bông: Trầm tốc bông nổi bật bởi màu gỗ sáng với những đường vân trầm độc đáo và sắc nét. Tốc bông có khối lượng nhẹ nhất.

* Tốc kiến: Trầm tốc kiến được hình thành từ các vết kiến đục trên cây dó bầu. Tốc kiến thường có màu nâu nhạt hoặc xám, vân gỗ mảnh nhỏ và khá đều nhau.

* Tốc banh: Trầm tốc banh là loại trầm tốc tốt nhất với lượng tinh dầu nhiều, nặng hơn hẳn so với hai loại trên, vân trầm khá dày đặc và rõ nét. Tốc banh lưu hương lâu, càng nhiều tuổi hương thơm càng đậm.

* Ngoài 3 loại trên, người ta có thể chia trầm tốc ra làm các loại khác như tốc dây, tốc đỉa, tốc pi, tốc hương dựa vào hình dáng và tỉ lệ tinh dầu.

4. Trầm mắt tử

Trầm mắt tử có nhiều tên gọi khác như trầm mắc tử, trầm mắc xoan… Đây là loại trầm hình thành từ phần mắt cây dó bầu. Trầm mắt tử có độ tích trầm cao, kết cấu gỗ cứng, lượng tinh dầu trong gỗ lớn, hình dáng đặc trưng, màu sắc đồng đều và hương thơm dịu nhẹ.

phân loại trầm hương

5. Trầm sánh

Trầm sánh là loại trầm hương hình thành từ phần thân dó bầu bị mất đi lớp vỏ ngoài vì một lý do nào đó. Do đặc thù này nên trầm sánh thường là các lớp mỏng khá phẳng. Trong chế tác trầm hương, người ta sẽ ghép các lớp mỏng này lại và cố định bằng keo để tạo thành các khối trầm sánh ghép.

Phân biệt theo thời điểm khai thác

1. Trầm sanh

Trầm sanh hay trầm sinh là loại trầm được khai thác khi cây dó bầu còn sống. Các phu trầm sẽ thử chặt vào thân cây dó đang sinh trưởng bình thường và quan sát xem cây dó đó có trầm không.

Trầm sanh mới khai thác sẽ có mùi thơm sống mạnh do gỗ còn tươi, sau khi để khô mùi thơm sẽ nhạt bớt. Đốt trầm sanh ta sẽ cảm nhận được mùi ngọt dịu dễ chịu. Trầm sanh cũng được ứng dụng rất nhiều trong đời sống: làm trang sức, làm hương, làm thuốc…

2. Trầm rục

Như tên gọi, trầm rục là loại trầm lấy từ cây dó đã chết hoàn toàn, bị hủy hoại nhiều bởi thời tiết, hoặc bị chôn vùi dưới đất. Lúc này phần gỗ dó đã bị bào mòn tới tận phần trầm nên khối trầm rục thường mỏng, bề mặt sần sùi, chất gỗ khá giòn và không được bóng bẩy như những loại trầm khác.

Trầm rục thường được tiện làm hạt vòng, nghiền thành bột trầm hoặc ngâm rượu.

3. Trầm khảy

Cũng là loại trầm được tìm thấy trên cây dó bầu đã chết nhưng trầm khảy vẫn còn giữ được phần gỗ dó bao bọc. Trầm khảy thường là những miếng trầm còn nguyên vẹn, có màu nâu sẫm hoặc đen tùy vào thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất sinh trầm.

Trầm khảy có mùi thơm sống không quá mạnh nhưng khi đốt lên sẽ tỏa ra hương thơm thanh mát dễ chịu và lôi cuốn.

III. Trầm hương nhân tạo

Trầm hương nhân tạo là loại trầm được hình thành dưới sự tác động của con người. Tùy vào phương pháp tạo trầm mà trầm hương nhân tạo có chất lượng hương thơm, tác dụng y lý và vẻ ngoài cực kỳ khác nhau.

Hiện nay có 3 phương pháp tạo trầm nhân tạo chính: phương pháp vật lý, phương pháp hóa học và phương pháp sinh học. Mỗi phương pháp sẽ có ưu, khuyết điểm riêng tùy vào tiêu chuẩn về sản lượng và chất lượng của trầm hương. Trong đó, phương pháp sinh học là phương pháp mang lại trầm hương nhân tạo có các đặc tính giống với trầm hương tự nhiên nhất.

Công ty Cổ phần Trầm hương Việt Nam cũng đang tích cực triển khai áp dụng công nghệ sinh học hiện đại nhất vào vùng nguyên liệu chất lượng cao để sản xuất ra loại trầm hương nhân tạo giống đến 99% so với trầm hương tự nhiên.

phương pháp tạo trầm

Cảnh giác với trầm hương giả

Trên thị trường hiện nay còn có nhiều sản phẩm làm giả, nhái trầm hương bằng loại gỗ không chứa tinh dầu sau đó ngâm tẩm các hóa chất tạo màu, tạo mùi để giống với trầm hương thật. Trầm hương giả thường có màu khá sẫm, lớp ngoài bóng bẩy, mùi nồng, hắc, không thơm dễ chịu như trầm hương thật và rất nhanh mất mùi.

Hiện nay nhiều cơ sở làm trầm hương giả còn tinh vi đến mức cho thêm cả miếng trầm tự nhiên hoặc lượng nhỏ tinh dầu trầm vào nấu cùng nhau để tạo mùi như thật khiến việc phân biệt trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, khi chọn mua trầm hương bạn cần quan sát và kiểm tra thật kỹ bề mặt khối trầm, thậm chí có thể đốt thử để cảm nhận mùi hương. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm cho mình những địa chỉ uy tín chuyên bán trầm hương thật để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và có một trải nghiệm thưởng trầm tốt nhất.

Trầm hương là thứ kỳ vật quý báu có vô số tác dụng tuyệt vời trong y học, tôn giáo, thẩm mỹ, tâm linh và phong thủy. Do đó, sở hữu một sản phẩm trầm hương chất lượng sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời thu hút vận may và tài lộc đến với cuộc sống của bạn.

.