Câu chuyện về Ranjatai – khối trầm hương huyền thoại ở Nhật Bản
Trầm hương có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản
Trầm hương được ưa chuộng bởi hương thơm êm dịu, nồng ấm, gợi cảm giác thư thái, dễ chịu cho người sử dụng. Hương thơm của trầm thường được dùng trong những nghi lễ thiêng liêng, trong hoạt động ngồi thiền nhập định hay trong lúc chiêm nghiệm giáo lý bởi nó giúp củng cố và tăng cường mối liên kết giữa con người với đức tin của họ.
Người dân từ các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau trên thế giới đều ưa thích trầm hương. Riêng đối với người Nhật, trầm hương là thứ hương liệu đặc biệt, hội tụ đủ 10 đức của hương và là căn bản của nghệ thuật thưởng hương Kodo – một trong bộ ba mỹ học cổ phong Nhật Bản.
Khối trầm hương huyền thoại Ranjatai
Trong thế giới hương thơm thanh khiết này, có một khối trầm hương huyền thoại được coi là biểu tượng của quyền lực và sự thống trị ở Nhật suốt vài trăm năm. Khối gỗ trầm hương nặng 11,6kg, dài 1,56m, đường kính khoảng từ 21-42cm này có tên là Hoàng Thục Hương (ōjukukō – 黄熟香), vốn là quà tặng từ Trung Quốc gửi đến Thiên Hoàng Thánh Vũ (Shōmu) của Nhật Bản. Cũng có thuyết nói rằng nó do Hoằng Pháp đại sư Không Hải (Kūkai) mang về Nhật sau chuyến vân du Trung Quốc.
Về sau, Hoàng hậu Quang Minh (Kōmyō) đã tặng khúc trầm hương này cho chùa Đông Đại tự (Tōdai-ji), nay thuộc tỉnh Nara, Nhật Bản. Người ta cũng đặt nhã hiệu cho nó là Ranjatai (Lan Xa Đãi – 蘭奢待) và bảo quản tại Chính Thương viện (Shōsōin) – nhà kho của chùa Đông Đại tự.
Chùa Đông Đại tự là một trong Thất Đại tự – 7 ngôi chùa lớn nhất Nhật Bản. Nơi đây vốn là nơi lưu giữ vô vàn bảo vật và kinh điển Phật giáo quý giá. Sau cuộc Minh Trị duy tân, chùa Đông Đại tự nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Nhật Bản. Ngày nay, khối trầm hương Ranjatai nổi tiếng vẫn còn được bảo quản tại ngôi chùa này và là tài sản thuộc về hoàng gia.
Trên thực tế, cái tên Ranjatai hay Lan Xa Đãi (蘭奢待) gắn liền với chùa Đông Đại tự (東大寺). Bạn có thể quan sát thấy trong cách viết Hán tự của từ Ranjatai ẩn chứa những chữ Hán là tên của chùa Đông Đại tự (hình bên dưới).
Ranjatai trở thành biểu tượng của quyền lực
Khi được cất giữ trong Chính Thương viện, khối Ranjatai này ban đầu không được mấy người biết tới, nhưng dần dần, mùi thơm nồng ấm quyến rũ của trầm hương thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Qua thời gian, từng miếng trầm hương nhỏ được cắt ra để các Thiên hoàng lấy đó làm quà ban thưởng cho thuộc hạ của mình. Năm 1495, Thiên hoàng Gotsuchimikado đã cắt một miếng nhỏ tặng cho tướng quân Ashikaga Yoshimasa. Tới năm 1574, Đại Tướng quân Oda Nobunaga cũng nhận được một miếng trầm hương dài chừng 5cm từ Thiên hoàng Oogimachi bởi những nỗ lực của ông trong công cuộc thống nhất Nhật Bản. Oda Nobunaga chỉ giữ lại một phần nhỏ cho mình và tặng phần còn lại cho những người xứng đáng khác, chẳng hạn trà sư huyền thoại Sen no Rikyu hay thương gia Tsuda Sōgyū giàu có đến từ Sakai. Một phần nhờ sự tuyên truyền của Oda Nobunaga, Ranjatai trở thành bảo vật huyền thoại và là biểu tượng của quyền lực.
Năm 1877, Thiên hoàng Minh Trị đến thăm Đông Đại tự và tỏ ra hứng thú với khối Ranjatai đang được trưng bày. Sau khi trở về, Thiên hoàng nhận được một mẩu trầm hương dài chừng 6cm, ông chia nó thành hai nửa, một nửa đem đốt và một nửa đem về Tokyo. Có bản chép rằng, bấy giờ “mùi hương ngập tràn khắp nơi nghỉ chân của Thiên hoàng”.
Khối trầm hương huyền thoại Ranjatai thực chất là kỳ nam
Theo các học giả hàng đầu về trầm hương ở Nhật Bản, Ranjatai chính là loại kỳ nam đắt giá nhất lịch sử mà người Nhật gọi là kyara (Già La). Tiến sĩ Yoneda Kaisuke của Đại học Osaka cho rằng, Ranjatai có nguồn gốc từ các khu rừng Việt Nam hoặc Lào, bởi chỉ có khu vực này mới có thể sản sinh ra kỳ nam – loại trầm hương có hương thơm quyến rũ và giá trị trân quý nhất. Không chỉ nổi tiếng bởi hương thơm tuyệt hảo, Ranjatai còn xuất hiện cả trong văn thơ, kịch nghệ, được vô số người khao khát.
Hiện nay, cứ mỗi 10 hay 15 năm, triển lãm trưng bày Ranjatai sẽ được tổ chức ở Nara để thu hút người dân tới chiêm ngưỡng và thưởng thức khối trầm hương huyền thoại này.